Tại sao virus cúm lại thường xuyên biến đổi?
Bệnh cúm đã được ông tổ của y khoa hiện đại-Hippocrate mô tả từ năm 420 chúng tôi Tuy nhiên chỉ cho đến cuối thế kỷ 16 thì đại dịch cúm ở người mới xuất hiện, và lần lượt sau đó gần như thế kỷ nào cũng có các trận đại dịch cúm xảy ra. Gần đây nhất, thế kỷ 20, nhân loại hứng chịu ba trận đại dịch cúm: 1918, 1957 và 1968.
Khoa học y học hiện đại hiểu biết gần như rất rõ ràng về đặc tính sinh hoá học của vi-rút cúm, thế nhưng cho đến nay, bệnh cúm vẫn được coi là một bệnh “không có hồi kết”, chỉ điều trị triệu chứng và “tạm thời khỏi bệnh”, chúng ta cũng chưa có cách nào dập hoàn toàn được bệnh cúm nếu không nói là không thể.
Các chủng virus cúm
Dựa vào sự khác biệt chính trên kháng nguyên M1 người ta phân vi-rút cúm thành ba nhóm A, B và C. Một điều cần biết, cho đến nay bằng chứng cho thấy rằng tất cả các dòng vi-rút cúm gây bệnh ở bất kỳ động vật nào, kể cả con người đều xuất phát từ loại thuỷ cầm và lông vũ (trong 10 giống loài khác nhau), và nhóm vi-rút cúm nguyên thuỷ đều là vi-rút thuộc nhóm A. Vi-rút nhóm B và C là loại tiến hoá và chỉ gây bệnh ở người mà không có gây bệnh cúm ở động vật; chỉ có rất hiếm một vài đợt lẻ tẻ, người ta tìm thấy vi-rút cúm C gây bệnh ở heo. Và theo sự tiến hoá đó, vi-rút cúm B và C gây bệnh cúm ở người rất nhẹ, nhẹ nhất là C, như gây ra chứng cảm thông thường, không có gì đáng kể. Chỉ có cúm A mới là loại có khả năng gây bệnh nặng.
Có bao nhiêu loại cúm A?
Chúng ta từng nghe đến cúm A H1N1 hay H5N1… vậy chính xác thì cúm A có bao nhiêu biến chủng? Trên lý thuyết, với dòng Hx thì x có thể là từ 1 – 16, và dòng Nx có thể từ 1 đến 9, từ đó tính ra chúng ta có tới 144 loại cúm A khách nhau dựa vào phụ nhóm H và N. Tuy nhiên, trên thực tế thì không xuất hiện nhiều như vậy.
Tất cả 144 phân nhóm vi-rút A này đều có mặt ở chim, tuy nhiên chỉ có H1, H2, H3, H5, H7 và H9 và N1, N2 và N7 thì có thể lây nhiễm sang người, nhưng cho đến hiện nay chỉ còn có thể thấy H1, H2, H3 và N1 và N2 là còn tồn tại và biến thể lây nhiễm giữa người với người mà thôi. Đối với H5N1 chỉ mới cho thấy có khả năng lây trực tiếp giữa loài lông vũ và người, rồi dừng ở đó, chứ chưa có bằng chứng lây từ người này sang người khác.
Quay lại câu hỏi, tại sao cúm thường xuyên thay đổi?
Khi một virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ bị hệ miễn dịch của chúng ta tìm cách tiêu diệt, ghi nhớ lại kháng thể cho lần sau nếu như còn gặp lại. Tuy nhiên virus cúm thì lại hoàn toàn khác, khi bị hệ miễn dịch tấn công, chúng sẽ tìm cách biến đổi, thích nghi để tồn tại. Chúng sẽ biến đổi bằng cách thay đổi hình dạng, chính vì vậy khi tái xâm nhập vào cơ thể người ở lần sau, chúng đã mang “bộ mặt” hoàn toàn mới khiến hệ miễn dịch lại phải làm việc lại từ đầu để tạo ra kháng thể tiêu diệt. Trong quá trình lưu hành, các chủng virus cúm cùng lưu hành có sự trao đổi vật liệu di truyền giúp chúng nhanh chóng tiến hóa và tạo ra chủng virus cúm mới.
Virus cúm có khả năng thay hình đổi dạng và thích nghi rất nhanh, mỗi mùa mỗi năm chúng hiện diện ở một hình thức khác của cùng một phân nhóm hoặc một phân nhóm khác. Cùng một loại H1N1 nhưng ở các nơi khác nhau, nó cũng khác nhau. Thí dụ A/Memphis/8/88(H3N2), có nghĩa là vi-rút cúm A(H3N2) nhưng tìm được ở Memphis (Mỹ), gắn nhãn số 8, và phát hiện vào năm 1988. Cho nên, dù chúng ta có sản xuất ra bao nhiêu loại vaccine cúm đi nữa, chúng ta cũng chỉ dự đoán chứ không thể biết trước được mùa cúm năm sau loại cúm A nào sẽ hiện diện trong hằng hà sa số phân nhóm cúm A. May lắm là chúng ta có thể tạo được một lượng kháng thể có thể đối kháng một phần nào đó khi vi-rút cúm xâm nhập hoặc vi-rút có cấu trúc tương đồng, thì cơ thể có thể không mắc bệnh hoặc bị nhẹ. Một khó khăn nữa là ngay cả chúng ta chế và sử dụng vaccine, đó lại là một nguy cơ kích thích cho con vi-rút cúm A nó biến đổi nhanh lẹ hơn và có thể chuyển sang dạng nguy hiểm hơn, nhưng cũng có thể nhẹ hơn để cùng tồn tại như vi-rút cúm B và cúm C chẳng hạn.
Sự biến đổi chủng virus cúm – nguy cơ đe dọa sức khỏe con người
Như đã đề cập ở trên, việc dập hoàn toàn dịch cúm là một điều không thể. Virus cúm vẫn đang lưu hành trong tự nhiên, trên người và một số động vật. Trong quá trình lưu hành, biến đổi, có thể xảy ra sự tái tổ hợp giữa các chủng cúm và tạo ra các chủng cúm mới có độc lực cao, gây nguy hiểm cho con người.
Sự xuất hiện của nhiều virus cúm mới đã tạo ra một nguồn gen đa dạng, khi các chủng virus cúm khác nhau trao đổi gen sẽ tạo nên những biến đổi đặc biệt. Sự biến đổi nhanh chóng của các chủng virus cúm có thể khiến vắc-xin cúm mùa không có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại các chủng virus đã thay đổi. Điều này đẩy thế giới đứng trước nguy cơ xảy ra đại dịch cúm.
Tiêm vắc-xin cúm hàng năm – biện pháp đối phó với sự biến đổi của virus cúm
Việc phòng ngừa cúm rất khó khăn do các chủng virus cúm thường xuyên biến đổi. Mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus cúm mới, vượt ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể gây ra những biến chứng nặng, thậm chí là tử vong. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm và giảm các hậu quả nghiêm trọng của bệnh cúm là tiêm cúm hàng năm. Các nhà nghiên cứu sẽ căn cứ vào sinh thái và chu kỳ biến đổi kháng nguyên của virus cúm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm trên toàn cầu để dự đoán trước chủng cúm có nguy cơ gây đại dịch. Sau đó, họ chế vắc-xin cúm từ những chủng đó để ngăn chặn đại dịch.
Ngoài việc tiêm vắc-xin cúm, để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, rèn luyện sức khỏe và ăn uống đủ chất để cải thiện sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với người đang mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh.